Khái niệm metaverse được sử dụng vào năm 1992 bởi Neal Stephenson trong cuốn tiểu thuyết Snow Crash của mình. Metaverse trong tác phẩm này là một thế giới ảo 3D, trong đó có nhiều avatar đại diện cho mỗi con người thật. Nhiều bộ phim và cuốn sách khoa học viễn tưởng cũng được viết nên dựa trên cùng một khái niệm như trên. Thật ra trước Snow Crash cũng có một số sách dùng chữ metaverse nhưng quyển này thường được dùng làm điểu tham chiếu.
Và nếu bạn đã từng xem phim hay đọc sách Ready Player One, thì metaverse chính xác là như thế.
Snow Crash hay Ready Player One đều đặt bối cảnh của tương lai xa, nơi mà thế giới con người phụ thuộc vào những tập đoàn lớn và có nhiều mặt tiêu cực. Nhưng cũng không thể chối bỏ rằng những thế giới ảo 3D này nhìn cũng rất hấp dẫn, và nó là nơi mà người ta sẽ chui vô để chạy trốn khỏi một hiện thực tồi tệ. Ngoài ra, những tương lai này cũng thường được kiểm soát bởi một công ty khổng lồ nào đó, trong trường hợp này là Facebook chăng? Cái đó thì chưa biết được.
Vậy còn metaverse thực tế thì như thế nào?
Hiện không có định nghĩa chung nào được chấp thuật khi chúng ta nói về metaverse, vì cơ bản là chưa có sản phẩm nào tương tự tồn tại và ở quy mô đủ lớn để có thể trở thành một thế giới 3D đúng nghĩa. Nhưng nếu chúng ta lấy lời của Matthew Ball, một nhà đầu tư mạo hiểm, tác giả cuốn sách Metaverse Primer, thì:
“Metaverse là một mạng lưới lớn của những hình ảnh 3D được dựng nên theo thời gian thực, cùng với đó là việc giả lập lại danh tính của người, các vật thể, lịch sử, thanh toán, cũng như trật tự xã hội. Không gian này có thể được trải nghiệm bởi không giới hạn số người dùng, mỗi người có một ý thức riêng về sự tồn tại của mình”.
Còn theo định nghĩa của Facebook: “Metaverse là một tập hợp các không gian ảo, nơi bạn có thể sáng tạo và khám phá cùng với những người khác vốn không ở chung chỗ vật lý với bạn”.
Raph Koster, một nhà thiết kế game,, thì có định nghĩa khác và phân biệt rõ ràng giữa “thế giới online”, “multiverses” và “metaverses”. Với Koster, thế giới online là những không gian ảo, từ những môi trường 3D cho đến những dòng chữ, và chỉ tập trung vào một chủ đề duy nhất. Multiverse là nhiều thế giới cùng kết nới với nhau trong một mạng lưới, có thể chia sẻ hoặc không những chủ đề và quy định. Thế giới ảo OASIS trong Ready Player One có thể xem là multiverses. Còn metaverse là “một multiverse hoạt động như một thế giới thực”, tích hợp những thứ như AR, VR, và có cả những app như Google Maps riêng.
Những định nghĩa nói trên có thể xung đột lẫn nhau, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Khoan, nói về hiện tại đi. Tui mới đọc về metaverse và chúng ta rồi sẽ sống trong không gian này, vậy chính xác thì nó có nghĩa là gì?
Hiện tại, thế giới công nghệ đang nói về “metaverse” như là một nền tảng kĩ thuật số với những tính năng như sau:
- Tích hợp tính năng của các dịch vụ web, hoặc của những hoạt động giống như ngoài đời thực
- Hình ảnh của môi trường được dựng nên bởi đồ họa 3D máy tính
- Mỗi người có một avatar đại diện riêng, cá nhân hóa
- Nhiều phương thức tương tác giữa người với người, các phương thức này không cạnh tranh và định hướng như game
- Hỗ trợ người dùng tự tạo ra những vật phẩm, những không gian ảo của riêng mình
- Kết nối với nền kinh tế bên ngoài để mọi người có thể kiếm lời từ các vật phẩm ảo
- Sẽ được sử dụng bởi những bộ kính AR, VR
Vậy Fornite có phải là metaverse? Roblox có thể phải không? Facebook Horizon thì sao?
Mỗi mảnh ghép trên là một phần trong metaverse. Như lời của Fafcebook thì “metaverse không phải là một sản phẩm duy nhất mà một công ty có thể xây dựng. Giống như Internet, metaverse sẽ xuất hiện dù có Facebook hay không.”
Nhưng cũng có thể dùng metaverse để chỉ một nền tảng có đủ những tính năng trên. Trước đây chúng ta từng có Second Life, một ứng dụng mạng xã hội ảo không phải là game, trong đó bạn có thể đi lại, nói chuyện với nhiều người khác nhau, và người ta cũng xem nó là metaverse (hình dưới). Epic Games thì mô tả trải nghiệm chơi Fornite là metaverse vì nó là không gian 3D trộn giữa game và non-game. CEO David Baszucki của Roblox thì nói rằng “nhiều người đang nói cái mà chúng tôi đang làm là Metaverse”. Minecraft của Microsoft cũng có thể xem là metaverse.
Vậy tại sao lại thêm từ “metaverse”? Chẳng phải nó cũng là một thứ như web, app, cloud hay sao?
Lý do đơn giản, vì từ này nghe tương lai hơn rất nhiều so với từ “Internet”, nó sẽ khiến cho giới truyền thông quan tâm hơn, cũng như những nhà đầu tư cảm thấy hào hứng và dễ gọi vốn hơn.
Cũng có người nói rằng metaverse sẽ giúp các công ty né những định kiến tiêu cực về Internet và đưa nó vào một bổi cảnh khác hơn, mới mẻ hơn, cũng như né những quy định, luật đang áp dụng cho Internet và những dịch vụ liên quan như web, app.
Chẳng phải ngày xưa Second Life đã từng nổi ở những năm 2000? Giờ có gì khác?
Trước cả Second Life, thế giới đã có những dịch vụ như CyberTown tạo ra những không gian 3D ảo. Thậm chí những năm 1970 còn có những không gian ảo mà không có 3D, chỉ toàn là chữ.
Một trong những lý do mà metaverse nổi lên được là do công nghệ đã thay đổi rất nhiều. Thời 2003, Internet chỉ mới bắt đầu bùng nổ, máy tính thì yếu và chúng ta không có những công nghệ như AR, VR với mức độ tiếp cận rộng rãi. Giờ thì mọi thứ đã khác, người ta có thể xây dựng những hình ảnh 3D phức tạp, chi tiết, cực kì giống thực. Thiết bị VR, AR đã rẻ hơn, phổ cập hơn và Internet thì có khắp nơi để kết nối mọi người.
Metaverse có thể sẽ được sở hữu bởi 1 công ty, nhưng nếu bạn lo ngại điều đó thì cũng có những công nghệ cho phép xây dựng metaverse để tạo ra những mạng lưới phân tán. Blockchain, NFT, tiền mã hóa… là một trong số những thứ giúp cho điều đó trở thành hiện thực.
Và cũng có thể đại dịch COVID-19 là chất xúc tác, khi mà người ta đã phải xa nhau trong hơn một năm thì nhu cầu kết nối cũng tăng lên.
Nhiều người cũng nói NFT là một phần của metaverse, thực ra cũng đúng. Nói một cách đơn giản thì NFT cho phép bạn xác nhận một vật phẩm ảo nào, nên nó có thể được chuyển từ nền tảng metaverse A sang một metaverse B. Nhiều nhà thiết kết NFT đang bán những thứ như hình họa 2D, nhưng không khó để tưởng tượng rằng một ngày nào đó NFT sẽ được dùng trong metaverse, ví dụ như công ty Polygonal Mind đang xây dựng một hệ thống gọi là CryptoAvatar và người dùng có thể mua những avatar 3D để dùng trong nhiều thế giới ảo khác nhau.
Thực ra việc định danh người dùng là quan trọng trong thế giới metaverse, và chuyện có một avatar duy nhất giữa nhiều thế giới không phải là chuyện đơn giản. Từ góc nhìn của người dùng thì không sao, nhưng để developer có thể triển khai nó là chuyện khó. Có những dịch vụ avatar trung gian, nhưng công ty nào cũng có xu hướng muốn sử dụng công nghệ của riêng mình. Hay là sao chép avatar giữa các metaverse? Vậy thì khi một chỗ có update thì những chỗ khác sẽ cập nhật theo ra sao? Đây sẽ là một câu hỏi đáng quan tâm khi metaverse trổ nên phổ biến.
Metaverse có phải là Internet? Nó có thay cho Internet không?
Không, mà ngược lại, metaverse vận hành trên nền tảng của Internet. Trước đây những gì chúng ta có thể truy cập là 2D, mọi thứ trên một màn hình. Còn giờ thì bạn có thể bước vào thế giới 3D. Bạn có thể xem metaverse như một không gian ảo, một căn nhà ảo, một thế giới ảo, trong đó bạn vẫn có thể xem Netflix, có thể chơi game Fornite cùng bạn bè, hay ngồi xuống đọc một quyển sách ảo nhờ kính VR chẳng hạn. Bạn cũng có thể đi làm ở một công ty ảo trong đó, mời đồng nghiệp ngồi xuống họp như ngoài đời trong khi thực ra các bạn vẫn đang ở cách xa nhau.
Một điều quan trọng trong metaverse đó là bạn cảm nhận được sự tồn tại của mình trong thế giới đó, và bạn có thể tương tác với mọi người, với các món đồ thay vì chỉ nhìn qua một màn hình. Bạn cũng sẽ cảm nhận được sự tồn tại của các vật thể hay của những người khác. Rõ ràng cái này vui và hấp dẫn hơn việc chỉ nhìn vào một loạt hình thumbnai khi ngồi họp Zoom rồi.
Liệu có thể metaverse sẽ trở thành nơi quảng cáo hay không? Có thể, vì quảng cáo dù ở thời nào cũng tồn tại cả, dưới nhiều hình thức khác nhau. Chỗ nào có người dùng, thì chỗ đó sẽ có quảng cáo. Dù các công ty có nói gì đi nữa thì họ cũng sẽ phải đưa quảng cáo vào thôi. Đó là một nhu cầu có thật.